"Tình yêu được mang tặng vô điều kiện, như một món quà quý giá nhất của đời người, đó mới là tình yêu đẹp đẽ nhất. Còn yêu mà cân nhắc xem liệu có được đáp lại tương xứng, là đổi chác, chứ nào phải là yêu"
Tôi đã thành đàn bà second-hand trong một cuộc hôn nhân như thế, chúng tôi đổi chác tình yêu cho nhau và nghĩ rằng, hôn nhân chỉ cần sự tương xứng của Cho và Nhận là đủ. Để giờ đây, người lái xe đưa tôi ra biển trong một chiều chủ nhật cần khuây khỏa nói rằng, đàn bà yêu lại lần nữa khó làm sao, nhìn em thì biết!
................
Khi còn trẻ, ai cũng mong ước tình yêu hoàn hảo, một hạnh phúc trọn vẹn không bị chia sẻ, một tương lai được yêu thương. Bởi thế, khi bước vào tình yêu, ta luôn tìm kiếm một người ta thấy hoàn hảo nhất, phù hợp tuổi tác, tương đồng về suy nghĩ, thậm chí, còn phải phù hợp về chiều cao, có xuất thân hoặc giọng nói không đến mức làm ta phản cảm.
Nhưng bước qua ngưỡng cửa ba mươi, nhất là khi người con gái trở thành người phụ nữ điềm đạm, thậm chí thành người đàn bà second-hand bị thừa ra từ cuộc đời người đàn ông khác, ta mới hiểu, những tiêu chuẩn ấy chẳng còn quan trọng nữa. Cái ta cần không phải là một người đàn ông hoàn hảo, mà là tìm ra sự hoàn hảo của một người đàn ông, một con người, một mối quan hệ.
Người bạn tôi nói, có hai liều thuốc chữa lành cơn bệnh thất tình. Một là những bài tình ca của Lương Tịnh Như. Hai là những cuốn sách của nhà văn Lưu Dung .Nhưng một con bệnh nặng như em, nên dùng cả hai.
Lương Tịnh Như hát rằng, thật tiếc anh sẽ không đi cùng em tới giây phút cuối cùng của cuộc đời này, nhưng dù sao em vẫn cảm ơn những gì ta từng có.
Còn Lưu Dung viết về một cuộc hôn nhân rổ rá cạp lại giữa một ngôi sao ca nhạc đã hết thời, về già hết cả nhan sắc lẫn tài hoa, với một ông giám đốc chật vật mưu sinh, mãi không vươn lên được hàng đại gia. Thế nhưng ông chồng ấy rất mãn nguyện và hạnh phúc. Ông ấy nói như thế này:
“Vợ tôi khi còn là ca sĩ nổi tiếng, đã lấy hai đời chồng đại gia, li hôn hai lần. Một đại gia người Thượng Hải và một đại gia người Tứ Xuyên. Nhờ thế, giờ đây cô ấy vừa biết nấu các món ăn Thượng Hải lẫn Tứ Xuyên, vừa biết thu xếp gia đình sang trọng ấm cúng. Và bỗng dưng, đâu phải hai ông chồng kia, mà là chính tôi đã được nhận tất cả những gì tốt đẹp nhất của cô ấy trong vai trò người vợ. Đó là cái đẹp hoàn hảo của một mảnh vỡ không hoàn hảo!”
Chúng ta đều là những người đã từng trải, đã mất mát, đã trở thành một thứ đồ second-hand trong đời sống, bởi thế chúng ta mới học được chữ nhẫn nhịn, chấp nhận những gì khiếm khuyết của nhau.
Chấp nhận được sự không hoàn hảo của một người đàn ông, ta mới có thể tin được rằng sẽ có người yêu sự không hoàn hảo của người đàn bà ba mươi.
Sẽ có người yêu một người đàn bà mỏi mệt và hoài nghi.
Và nói với nàng rằng, sự không hoàn hảo cũng làm cho người đàn bà hạnh phúc.
..................
( trích blog Trang Hạ )
"Chúng ta đều là những người đã từng trải, đã mất mát, đã trở thành một thứ đồ second-hand trong đời sống" >>> Đồ second-hand xịn mà bao nhiêu người ao ước, săn lùng :)
Trả lờiXóa