Bạn có Facebook không?
Nếu bạn hỏi “Facebook là gì?”, tôi đoán bạn cỡ tuổi bố mẹ tôi (khoảng 50) hoặc già hơn thế.
Nếu bạn trả lời “có”, bạn thuộc vào nhóm 7.2% dân số thế giới ít nhiều ra vào Facebook. Bạn không thuộc vào loại hiếm quý, vì bạn là công dân của một xã hội có đến 500 triệu người, tương đương với một nước có dân số gấp 1.6 lần nước Mĩ. Nhưng chúc mừng bạn, vì bạn rất là thức thời. Chẳng phải ngày nay người người Facebook, nhà nhà Facebook, ngành ngành Facebook đó sao?
Còn nếu bạn trả lời “không”, hoặc “có, nhưng hầu như không tham gia gì nữa” , bạn là đối tượng rất hấp dẫn đối với tôi đó. Hãy kể cho tôi biết lý do vì sao bạn không tham gia hoặc rời bỏ Facebook, một trong những mạng xã hội hàng đầu hiện nay:
- Bạn có biết dùng máy tính và lướt web không? (Nếu bạn đang đọc những dòng này, tôi cho là bạn biết)- Facebook nơi bạn ở có bị chặn không? - Nếu không thì bạn có phải là một anh chàng/cô nàng ưa sống khép kín nên không thoải mái với mạng xã hội không? - Nếu không, thì có phải bạn quá bận rộn với cơm áo gạo tiền đến nỗi không có thời gian lên mạng không? - Nếu bạn lại trả lời không lần này nữa, thì khả năng cao bạn là một người đáng để tôi… ngưỡng mộ đó!
Vì sao ư?
Vì trước hết, bạn có một bản lĩnh cao cường dám không chạy theo đám đông và trào lưu mới. Tất cả những người bạn của tôi mà từng đóng cửa (deactivate) trang Facebook của họ cuối cùng đều đã quay trở lại!
Thứ hai, bạn quản lý thời gian khá tốt (hơn tôi), không phí phạm thời gian hóng hớt chuyện thiên hạ trên mạng. Bạn có biết thời gian 500 triệu người đó dành cho Facebook là bao nhiêu không? 700 tỉ phút mỗi tháng. Nếu tính cho 500 triệu người có tài khoản trên Facebook, thì bình quân mỗi người lang thang trên Facebook 47 phút mỗi ngày. Thật ra chỉ có 50% số người dùng Facebook là tham gia tích cực, nếu chỉ tính cho họ (tức 250 triệu người), thì mỗi người dành ra đến hơn một tiếng rưỡi mỗi ngày cho Facebook! Bạn dự định lên Facebook chỉ để xem cập nhật tình hình của vài người bạn thân trong vòng 15 phút, nhưng rồi bạn đâu có chịu dừng lại ở đó. Bạn thấy có hình đám cưới của một người bạn của bạn của bạn. Bạn tò mò muốn xem cô dâu có xinh gái, chú rể có đẹp trai không. Rồi cuối cùng bạn ngồi click click xem hết hình người này đến người khác, toàn những người không quen biết, nhìn lại đồng hồ thì ôi thôi một tiếng rưỡi đã trôi qua mất rồi!
Với một tiếng rưỡi đó, bạn có thể tập thể dục trong 30 phút, vừa đọc sách vừa đắp mặt nạ dưỡng da trong 30 phút, và gọi điện cho bố/mẹ/anh chị em/bạn bè thân của bạn hỏi thăm trong 30 phút còn lại.
Thứ ba, bạn không bị mắc vào một chứng bệnh mà nhiều người đang xôn xao dạo gần đây, đó là chứng “ái kỷ” (Narcissism). Mô tả ngắn gọn cách người ta nhận diện một người nào đó mắc bệnh này là thấy người đó đăng tải rất nhiều hình ảnh chụp riêng của người đó lên Facebook mà rất ít hình người khác hoặc hình chụp chung với người khác. Thêm nữa, là người đó cập nhật tình hình bản thân liên tục trên Facebook; Vui, buồn, nóng, lạnh, đói, no, đá bồ hay bị bồ đá… gì cũng la lên cho thiên hạ cùng hay.
Ơ, nói đến đây thấy mình cũng có mắc cái chứng này!
Mà vì thế nên mới ngưỡng mộ bạn nào dám nói không với Facebook đó. Bạn ấy không bị cám dỗ bởi việc thu hút sự chú ý của thiên hạ bằng một trong những cách hiệu quả nhất hiện nay: Facebook!
Thật ra, không phải ai sống trong xã hội Facebook này cũng hoàn toàn vui sướng hạnh phúc. Những người mà tôi quen biết, ai cũng từng ít nhất một lần muốn bỏ Facebook ra đi. Vì sao? Bởi vì Facebook thiếu một thứ mà sâu thẳm bên trong trái tim, tâm hồn của mỗi người đều mong muốn.
Đó chính là… chiều sâu!
Comment một chút chỗ này, click “like” một phát chỗ kia, hay upload nguyên bộ hình ảnh trong một chuyến đi chơi gần đây, đều là việc dễ làm.
Trong khi đó, bạn sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, nỗ lực, sự kiên nhẫn, và tình cảm để mà thật sự gặp gỡ những người thân, người bạn của bạn trực tiếp và thật sự dành thời gian với họ, nhìn ngắm họ, lắng nghe những tâm tư của họ, biết thêm về họ, và ở bên cạnh họ. Thông thường cái gì mà dễ dàng thì hời hợt, cười nói vu vơ vài câu thế thôi. Chỉ có sự đầu tư tình cảm một cách nghiêm túc thì mới có thể đem lại “hiệu ứng tình cảm” sâu sắc.
Facebook một mặt tạo cho bạn một môi trường thuận lợi để giữ liên lạc với thật nhiều bạn bè, nhưng mặt khác đã lấy đi khoản thời gian mà bạn có thể dành riêng cho một vài người bạn thân thực sự của bạn.
Rất nhiều người tham gia vào Facebook vì không thể chịu đựng được sự cô lập và cô đơn, để rồi sau đó nhận ra rằng Facebook dường như làm cho họ cảm thấy còn cô đơn nhiều hơn thế nữa.
Bởi vì một vài comment ngắn ngủi không bao giờ đủ cho một trái tim…
Written by Nhan Tran
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét